Đồng Euro: Biến động trong quá khứ, triển vọng tương lai

Đồng Euro: Biến động trong quá khứ, triển vọng tương lai

 

Khủng hoảng nợ công châu Âu khiến thế giới đặt ra hàng loạt các câu hỏi: Sự ra đời của đồng Euro có phải là một thành tựu hội nhập và nhất thể hóa kinh tế châu Âu hay không? Giá trị đồng Euro biến động thế nào qua các giai đoạn? Vai trò và vị thế đồng Euro đã suy giảm ra sao trong bối cảnh khủng hoảng nợ công châu Âu? Và triển vọng của đồng tiền này sẽ ra sao trong tương lai?

Đồng Euro: vai trò, vị thế và biến động

Kể từ năm 1999, đồng Euro được sử dụng như là một đơn vị hạch toán trên thị trường tài chính của 11 quốc gia châu Âu thay cho đơn vị tiền tệ châu Âu (ECU). Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2002, đồng Euro mới chính thức được lưu hành tại châu Âu bằng việc phát hành các tờ tiền giấy và tiền xu tại 12 quốc gia. Hiện nay, đồng Euro là đồng tiền chung của 17 nước châu Âu với dân số hơn 330triệu người (bên cạnh đó, còn có hơn 175 triệu dân trên thế giới sử dụng các đồng tiền được neo giá với đồng Euro).

Đối với khu vực đồng Euro (Eurozone), đồng tiền chung ra đời đã thúc đẩy sự phát triển thương mại giữa các quốc gia thành viên, giúp tối đa hóa lợi ích trao đổi thương mại trong khu vực nhờ vào việc giảm thiểu biến động tỷ giá và hạn chế chi phí giao dịch liên quan đến chuyển đổi các đồng tiền khác nhau. Việc niêm yết một đồng tiền chung cũng giúp thị trường tài chính hoạt động hiệu quả hơn, các chính phủ và doanh nghiệp cũng giảm được chi phí tiếp cận với các nguồn vốn trên thị trường tài chính.

Kể từ khi ra đời, giá trị của đồng Euro so với các đồng tiền chủ chốt như đôla Mỹ (USD), Bảng Anh (GBP), Yên Nhật (JPY) đã không ngừng tăng. Theo số liệu của Reuters, đồng Euro đã tăng 13,6% so với USD kể từ khi ra đời (đến ngày 25/6/2012). Trong giai đoạn 1999-2012, có thể nhận thấy rõ 3 giai đoạn biến động của đồng Euro.

Giai đoạn 1999-2001: Euro giảm giá, vị thế dần được khẳng định

Trong giai đoạn này, đồng Euro được sử dụng như là một đơn vị hạch toán trên các thị trường tài chính, thay thế cho ECU theo tỷ lệ trao đổi là 1:1. Kể từ 1/1/1999, trái phiếu nhà nước được phát hành bằng đồng Euro và việc chuyển khoản giữa các ngân hàng được thực hiện bằng đồng tiền quốc gia hoặc bằng đồng Euro.

Mặc dù vậy, việc tiếp nhận đồng Euro trong thanh toán thương mại quốc tế giai đoạn này do đồng Euro không tồn tại trên thực tế dưới dạng tiền mặt và tình hình kinh tế - xã hội của châu Âu vẫn còn nhiều khó khăn. Các yếu tố trên khiến đồng Euro trong 3 năm đầu khi mới ra đời (1999 - 2001) giảm giá 26,5% so với USD, giảm 12% so với GBP, giảm 8,5% so với JPY, giảm 8,4% so với Franc Thụy Sỹ (CHF), và giảm 22% so với Đôla Canada (CAD).

Tuy vậy, vai trò dự trữ quốc tế của đồng Euro cũng đã bước đầu được định hình, chiếm tỷ trọng lớn thứ hai (sau USD). Tỷ trọng đồng Euro trong tổng dự trữ ngoại hối của toàn cầu được nâng từ mức 17,9% năm 1999 lên mức 19,2% vào cuối năm 2001.

Giai đoạn 2002-2008: Euro tăng giá, vị thế lên cao

Kể từ khi được lưu hành chính thức tại châu Âu dưới hình thức tiền giấy và đồng xu tại 12 quốc gia (năm 2002), đồng Euro đã không ngừng tăng giá so với các đồng tiền mạnh khác, đồng thời, vai trò và vị thế cũng từng bước được củng cố, nâng lên. Tính chung trong giai đoạn 2002-2008, đồng Euro đã tăng giá 48,5% so với USD, tăng 46,4% so với GBP, tăng 12,7% so với JPY và tăng 21,8% so với CAD.

Các giao dịch sử dụng đồng Euro đã tăng mạnh, khiến các ngân hàng trung ương chuyển sang xu hướng tích trữ nhiều hơn các tài sản được định giá bằng đồng Euro. Đồng Euro được sử dụng nhiều nhất ở các nước châu Âu, sau đó đến khu vực Bắc Mỹ. Tỷ trọng của đồng Euro trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã tăng từ mức 19,2% năm 2001 lên 23,8% vào năm 2002, 26,4% vào năm 2008 và thậm chí lên 27,7% vào cuối năm 2009 – tỷ trọng cao nhất của đồng tiền này trong dự trữ ngoại hối toàn cầu kể từ khi ra đời.

Tỷ trọng của Euro trên thị trường chứng khoán quốc tế cũng tăng từ mức 20% năm 1999 lên hơn 30% vào năm 2009 (cao hơn mức 10% của JPY).

Giai đoạn 2008-2012: Euro biến động mạnh, vai trò và vị thế suy giảm

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tỷ giá đồng Euro biến động mạnh hơn và nhìn chung theo xu thế đi xuống. Vai trò và vị thế của đồng tiền chung này cũng suy giảm theo, đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu có nguy cơ biến thành cuộc khủng hoảng xã hội và thể chế, khiến Eurozone phải đối mặt với nguy cơ tan rã. Điều này làm nảy sinh câu hỏi về khả năng tồn tại của đồng Euro.

Trước đây, với những tiêu chí chặt chẽ để được tham gia khu vực Eurozone (như thâm hụt ngân sách quốc gia dưới 3% GDP, nợ công dưới 60% GDP, minh bạch về ngân sách...), đồng Euro đã tạo sự tin cậy khá cao trong giới tài chính quốc tế kể từ khi ra đời. Tuy nhiên, kể từ khi Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công, cùng với tình trạng nợ công ngày càng xấu đi ở các nước thành viên khác thì giá trị và sức mạnh của đồng Euro đã bị suy giảm theo.

Tính từ đầu năm 2009 đến 25/6/2012, chỉ số giá Euro đã giảm 16,1%. Đồng Euro giảm giá 8,6% so với USD, giảm 15,8% so với GBP, giảm 20,5% so với JPY, giảm 19,7% so với CHF và giảm 24,5% so với CAD trong giai đoạn 2009-2012. Đặc biệt, chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây, chỉ số giá đồng Euro giảm 9,8%, trong đó, đồng Euro giảm 12,3% so với USD, giảm 10% so với GBP, giảm 13,7% so với JPY.

Cùng với sự suy giảm về giá trị, vai trò và vị thế quốc tế của đồng Euro cũng chịu tác động tiêu cực. Tỷ trọng dự trữ bằng đồng Euro giảm từ mức 27,7% vào năm 2009 xuống mức 25% vào cuối năm 2011, dù vẫn là đồng tiền dự trữ quốc tế lớn thứ hai trên thế giới.

Lo ngại về khả năng đồng Euro sụp đổ đã lên đến đỉnh điểm trên thị trường tài chính quốc tế khi các nhà đầu tư từ chối mua một số loại trái phiếu chính phủ châu Âu. Lãi suất trái phiếu chính phủ nhiều nước thuộc Eurozone đã tăng lên mức cao kỷ lục trong những tháng cuối năm 2011. Lãi suất trái phiếu của Italia đã tăng lên mức 7,6-7,9%/năm ; Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Pháp đã tăng 0,5 điểm phần trăm; Lãi suất trái phiếu 10 năm của Đức cũng tăng 0,145 điểm phần trăm lên 2,056%, đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định của khu vực.

Nhằm tăng cường củng cố và bảo vệ đồng Euro, tại Hội nghị Thượng đỉnh EU tháng 12/2011, 26/27 thành viên EU (trừ Anh) đã đồng ý đưa ra một thỏa thuận mới về giám sát tài chính chặt chẽ hơn. Theo đó, giới hạn thâm hụt cơ cấu sẽ ở mức 0,5% GDP của mỗi nước thành viên, trong khi đó trần nợ công vẫn duy trì ở mức 3% GDP, kèm theo điều luật mới quy định nếu nước nào vi phạm sẽ tự động bị trừng phạt nặng nề.

Một giải pháp khác cũng được thông qua nhằm cứu nguy cho khu vực Eurozone đó là thành lập quỹ cứu trợ thường trực của khu vực có quy mô 500 tỷ Euro với tên gọi là Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM), dự kiến có hiệu lực vào tháng 7/2012. ESM sẽ được cấp một giấy phép hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, giúp ESM có thể tiếp cận thanh khoản của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nâng cao khả năng của cơ chế này đối phó với cuộc khủng hoảng nợ của khu vực Eurozone. ESM cũng có khả năng trực tiếp tái cấp vốn cho các ngân hàng. Mặc dù vậy, để thỏa thuận này được ký kết vào năm tới với sự tham gia của 17 nước thành viên và 9 nước còn lại sẽ không phải là vấn đề đơn giản.

Triển vọng đồng Euro trong bối cảnh khủng hoảng nợ công châu Âu

Nhìn chung, các giải pháp chính sách tích cực của các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra trong năm 2011 và nửa đầu 2012 đã tạo nên những bước tiến quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công, tuy nhiên, hầu hết các giải pháp chưa đi vào giải quyết vấn đề dài hạn của khu vực này.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công vẫn còn có thể lan rộng và gây hậu quả nghiêm trọng, hầu hết các dự báo đều cho rằng đồng Euro sẽ tiếp tục mất giá so với các đồng tiền chủ chốt trong năm 2012-2013.

Kết quả khảo sát ngày 7/6/2012 do Reuters thực hiện đối với 55 tổ chức, ngân hàng, công ty tài chính cho thấy đồng Euro sẽ yếu đi so với USD, JPY và GBP trong vòng 1 năm tới. Tỷ giá Euro/USD sẽ giảm xuống mức 1,24 Euro/USD trong vòng 3 tháng tới và tiếp tục giảm xuống 1,253 Euro/USD trong vòng 12 tháng tới.

Dự báo của các tổ chức, tập đoàn tài chính gồm Morgan Stanley, Barclays Capital, Nomura, Scotiabank (tháng 6/2012) cho thấy triển vọng còn bi quan hơn của đồng Euro trong vòng 1 năm tới. Theo đó, tỷ giá Euro/USD sẽ giảm xuống mức 1,21-1,23 trong vòng 3 tháng tới, tiếp tục giảm xuống mức 1,19-1,23 Euro/USD trong vòng 6 tháng tới và thậm chí giảm tiếp còn 1,15 – 1,18 Euro/USD(theo Barclays Capital and Morgan Stanley) trong vòng 1 năm tới.

Triển vọng của đồng Euro còn phụ thuộc vào diễn biến của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn chưa đến hồi kết và dự báo về khả năng khu vực Eurozone có vượt qua được khủng hoảng bằng các biện pháp cải cách của mình hay không, hay phải buộc tách nhóm (một số nước khủng hoảng trầm trọng như Hy Lạp, Tây Ban Nha có thể rút ra khỏi khu vực đồng tiền chung) hoặc thậm chí tan rã - theo như kịch bản xấu nhất được dự báo.

Tuy nhiên, theo tác giả bài viết, kịch bản khu vực Eurozone sẽ hướng đến cải cách mạnh mẽ nhằm vượt qua khủng hoảng có phần khả thi hơn cả trong bối cảnh hai nước lớn là Đức và Pháp, cùng với cả khu vực đang rất nỗ lực với hàng loạt các biện pháp cải cách (thành lập Quỹ bình ổn châu Âu, nâng cao vai trò của ECB, tái cơ cấu các nền kinh tế yếu kém, kiểm soát chặt chẽ hệ thống tài chính ngân hàng và chi tiêu công của các nước thành viên). Mặc dù vậy, ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất này, khu vực Eurozone vẫn phải đối mặt với những khó khăn và thách thức trong nỗ lực cải cách, xuất phát từ nhiều khía cạnh:

(i) Một là, nợ của các nước PIIGS (gồm Bồ Đào Nha, Italia, Ailen, Hy Lạp và Tây Ban Nha) đã tăng từ mức 75% năm 2007 lên mức 87% trong năm 2011. Trong số 2.200 tỷ Euro mà các thể chế tài chính và các ngân hàng EU ngoài nhóm PIIGS cho các nước này vay, có 567 tỷ Euro là nợ chính phủ, 534 tỷ Euro là cho các công ty phi ngân hàng vay và 1.000 tỷ Euro cho các ngân hàng vay. Việc các ngân hàng thương mại châu Âu (trong đó có cả ECB) nắm giữ một lượng lớn nợ của các nước PIIGS sẽ khiến nợ xấu của các ngân hàng này tăng mạnh và làm lan truyền rủi ro cho cả hệ thống ngân hàng châu Âu.

(ii) Hai là, Hiệp ước Maatstrict thiết lập một đồng tiền chung dựa trên liên minh tiền tệ và các quy tắc ngăn chặn tình trạng mất cân bằng ở khu vực công, nhưng chưa tính đến các quy tắc điều chỉnh đối với các thể chế tài chính ngân hàng của khu vực cũng như biến động trên thị trường tiền tệ;

(iii) Ba là, khả năng thanh khoản và định mức tín nhiệm của các ngân hàng trong khu vực đồng Euro đã và đang giảm sút, nguy cơ khủng hoảng ngân hàng tăng lên;

(iv) Bốn là, để vượt qua khủng hoảng, khu vực này cần điều chỉnh được tình trạng mất cân bằng trong một thập kỷ qua để hướng đến cải cách tài chính bền vững hơn, lấy lại niềm tin của các thị trường tài chính.

Nếu không vượt qua được những thách thức trên, khu vực Eurozone và đồng Euro có thể sẽ phải đối mặt với sự tan rã trong những năm tới. Theo như nhận định của ông Joseph Stiglitz - chuyên kinh tế đoạt giải Nobel thì: “Các chuyên gia kinh tế sẽ không còn phải thảo luận câu hỏi liệu đồng Euro có sụp đổ hay không nữa mà là khi nào và bao giờ điều đó sẽ xảy ra”.

Bài viết của TS. Lê Thị Thùy Vân  đăng trên Tạp chí Tài chính số 7/2012

0989572988