Giá dầu giảm có thể là cơ hội để Việt Nam chấn hưng kinh tế

Giá dầu giảm có thể là cơ hội để Việt Nam chấn hưng kinh tế

PV: Thưa ông, giá dầu thô trên thế giới hiện đã giảm rất sâu. Việt Nam có nguồn thu ngân sách khá lớn từ dầu. Với mức giảm của giá dầu như hiện nay tác động như thế nào đến nguồn thu ngân sách quốc gia?

TS Lê Đăng Doanh: Giá dầu thế giới đang giảm rất sâu và đang có xu thế tiếp tục giảm nữa. Chúng ta chưa biết được giá dầu sẽ giảm đến mức độ nào. Thời gian qua, xuất khẩu dầu, bán dầu thô đã đóng góp vào nguồn thu ngân sách khoảng 13-20% ngân sách, tùy theo lượng dầu khai thác và giá thị trường.


TS Lê Đăng Doanh (Ảnh: TTO)

 

Theo mức tính toán, giá dầu cứ giảm 1 USD/thùng thì làm ngân sách mất đi 1.000 tỷ đồng. Tức là giá dầu giảm sâu như hiện nay, ngân sách Việt Nam có thể mất khoảng 2 tỷ USD. Đây là một thất thoát rất nặng.

PV: Khi giá dầu thế giới giảm, giá xăng dầu trong nước cũng phải giảm theo. Xin ông phân tích về tác động của nó tới lợi ích thu ngân sách của quốc gia với lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng sẽ như thế nào?

TS Lê Đăng Doanh: Giá dầu giảm, một mặt giảm nguồn thu ngân sách. Nhưng mặt khác, do Việt Nam nhập khẩu rất nhiều sản phẩm có nguồn gốc sản xuất từ dầu mỏ, không chỉ có xăng dầu. Chẳng hạn, Việt Nam còn nhập khẩu chất dẻo, sợi tổng hợp, phân bón, thuốc trừ sâu... Nếu giá dầu mỏ giảm, giá các sản phẩm này cũng sẽ giảm theo. Cho nên, trong bài toán này, nếu tính toán tốt, rất có thể sự giảm giá dầu mỏ cũng là cơ hội để Việt Nam chấn hưng kinh tế, phát triển kinh tế dân doanh. Đó sẽ là điều đáng mừng.

Thực tế khi giá dầu giảm, có phương án đề xuất nâng thuế nhập khẩu xăng dầu để thu chênh lệch giá dầu và chuyển gánh nặng đó cho người dân và doanh nghiệp. Theo tôi, phương án này cần phải tính toán thận trọng. Vì nếu thực hiện cách này, giá xăng dầu Việt Nam quá cao so với các nước trong khu vực, lại nảy sinh buôn lậu từ các nước có giá dầu thấp hơn về Việt Nam kiếm lời. Điểm thứ hai, quan trọng hơn, đó là các doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác.

Năm 2015 là năm tiến trình hội nhập sẽ diễn ra rất sâu sắc. Các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh rất gay gắt với các doanh nghiệp các nước ASEAN, trong cộng đồng kinh tế ASEAN, cũng như trong các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam vừa ký kết.

PV: Thưa ông, giá dầu mỏ giảm được cho là nguyên nhân quan trọng tác động đến kinh tế nước Nga. Giá đồng Rub của quốc gia này đã giảm mạnh, tác động tiêu cực đến thị trường. Việt Nam cũng là quốc gia có nguồn thu ngân sách khá lớn từ dầu mỏ. Theo ông, tình trạng hiện tại của nước Nga rút ra bài học gì cho nước ta trong việc cân đối nguồn thu ngân sách quốc gia?

TS Lê Đăng Doanh: Giá đồng Rub đã giảm lao dốc rất nhanh. Giá dầu giảm làm cho ngân sách nước Nga thiệt hại khoảng 100-140 tỷ USD/năm, tùy thuộc lượng dầu khai thác và bán ra thị trường.

Thêm nữa, từ khi sáp nhập Crimea vào Nga, Nga bị cấm vận và khiến quốc gia này thiệt hại thêm khoảng 40 tỷ USD nữa. Không những thế, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút khỏi nước Nga khoảng 100 tỷ USD. Đây là những đòn rất nặng đối với nền kinh tế Nga.

Ngay tại Việt Nam, khách du lịch từ Nga đến Mũi Né, Nha Trang đã giảm rõ rệt vì đồng trượt giá đồng Rub. Bản thân người dân thường của Nga cũng đang phải đối phó với cuộc sống khó khăn nên ít đi du lịch hơn.

Điều đó cho chúng ta thấy, không thể để nền kinh tế phụ thuộc vào một nguồn thu mà cần phải đa dạng hóa nguồn thu, phải tạo ra khả năng sáng tạo, ứng phó nhanh chóng trong một thế giới biến đổi không thể dự báo trước.

PV: Như ông vừa cho biết, nguồn thu từ dầu mỏ đóng góp 13-20% ngân sách nước ta. Theo ông, con số này chi phối thế nào đến “sức khỏe” nền kinh tế, nhất là khi có biến động giá dầu mỏ?

TS Lê Đăng Doanh: Bây giờ cần phải tính toán để dùng các nguồn thu khác. Tốt nhất nên để giá dầu giảm, giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu tại Việt Nam bằng giá tại các nước trong khu vực. Trên cơ sở đó, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, chế biến để xuất khẩu... qua đó có thể đóng góp cho ngân sách. Còn nâng thuế xăng dầu là hạ sách, là nâng giá sản phẩm cao hơn các nước trong khu vực. Khi đó, làm cho kinh doanh ở Việt Nam đắt đỏ hơn. Điều đó không những hạn chế các doanh nghiệp trong nước kinh doanh mà còn đuổi các nhà đầu tư nước ngoài rời khỏi nước Việt Nam. Tức là cách dùng giải pháp tăng thuế xăng dầu là không nên áp dụng.

PV: Cảm ơn ông!

Xuân Thân/VOV.VNThực hiện
 
0989572988