Giá giấy tăng mạnh, sản xuất bao bì gặp khó khăn

Giá giấy tăng mạnh, sản xuất bao bì gặp khó khăn

Hiệp hội giấy bao bì Việt Nam cho biết, tình hình nguyên liệu hiện đang rất căng thẳng và nhiều DN đang rơi vào tình trạng kinh doanh khó khăn, thua lỗ. Nguyên liệu đầu vào cho sản xuất bao bì chủ yếu là các loại giấy nhưng trong 3 tháng gần đây giá giấy đã tăng rất mạnh. Trung bình giá nguyên liệu trong nước như giấy kiện đã tăng đến 40-50%, còn giấy ngoại nhập cũng tăng từ 20-40%

 

Ông Hoàng Trí Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất bao bì miền Bắc cho biết, nguồn nhập khẩu của DN trong nước chủ yếu là từ ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản. Nếu cách đây 3-4 tháng, giấy nhập khẩu từ Nhật khoảng 420 USD/tấn giấy Kraft về đến Hải Phòng, đến nay đã lên đến 475 USD; giấy Dublex trước đây mua 520 USD/tấn thì nay đã 590 USD. Giá giấy trong nước còn tăng mạnh hơn, cách đây 3 tháng, giấy bình thường nhất là 3.700 đồng/kg nay đã lên 5.700 đồng/kg, loại giấy này chỉ để làm lớp sóng bên trong thành bao bì. Còn giấy để làm bề mặt cách đây 3 tháng do Nhà máy Giấy Việt Trì bán ra là 6.800 đồng/kg thì nay đã lên 8.900 đồng/kg. Các loại giấy bình thường khác tăng từ 4.500 đồng lên 6.500 đồng/kg.

Điều đáng lo hơn, giá giấy tăng cao nhưng không có hàng để mà mua, khó khăn và khan hiếm nguồn cung giấy nguyên liệu đang là tình trạng chung của nhiều nước. Giá hiện đã lên cao nhưng muốn mua cũng không có, các nước ASEAN khi nhận được đặt hàng đều không thể đáp ứng do nhu cầu trong nước họ tăng cao và chính sách hạn chế xuất khẩu để bảo vệ môi trường. Trong khi đó, nguồn nhập khẩu từ Nhật là khả dĩ nhưng thuế nhập khẩu quá cao đến 25%. Nguồn hàng trong nước hiện nay không đủ cung cấp do chúng ta có quá ít cơ sở sản xuất giấy phục vụ cho sản xuất bao bì.

Mặc dù giá giấy tăng mạnh nhưng các DN bao bì không thể tăng giá sản phẩm ở mức đủ bù đắp chi phí vì khách hàng chưa dễ chấp nhận. Đa số các DN cũng đang gặp khó khăn vì nhiều hàng hóa đầu vào tăng giá. Các DN bao bì đã đề xuất nhưng chỉ tăng được ở mức độ rất nhỏ. Còn lại, đa số DN đang cố gắng chịu lỗ để giữ khách hàng. Trung bình mỗi tấn giấy hiện lỗ khoảng trên dưới 1 triệu đồng so với cách đây 3 tháng.

Nếu kéo dài tình trạng này thì các DN bao bì sẽ phá sản. Trong hoàn cảnh hiện nay, chỉ còn cách là DN và Nhà nước cùng nhau chia sẻ. Do giá đầu vào tăng, DN nào cũng khó khăn thì cùng nhau chia sẻ để qua giai đoạn khó khăn. Đặc biệt, trong tình giá giấy tăng, Nhà nước nên tính đến việc giảm thuế nhập khẩu giấy tạm thời. Việc giảm thuế sẽ giúp DN dễ dàng nhập khẩu giải quyết vấn đề khan hiếm nguyên liệu và giảm chi phí giá thành. Nếu không, DN bao bì gặp khó, các nhà sản xuất và xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng do giá thành sản phẩm xuất khẩu sẽ tăng lên.

Cần một sự đầu tư dài hơi

Ông Phạm Nhật Thăng - Phó Chủ tịch Hiệp hội giấy bao bì Việt Nam cho biết, khó khăn hiện nay của ngành sản xuất bao bì trước hết là do giá nguyên liệu tăng cao. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là do chúng ta chưa có một sự đầu tư đúng mức cho ngành công nghiệp này.

Trước đây, khi nền kinh tế chưa mở cửa, nhu cầu sử dụng bao bì rất thấp, hầu hết là nhập khẩu. Nhà nước chỉ có một công ty để nhập khẩu và chuyển tải những bao bì của hàng nhập khẩu để phục vụ trong nước. Tuy nhiên, khi nền kinh tế hội nhập, sản xuất kinh doanh và xuất khẩu phát triển kéo theo nhu cầu bao bì tăng lên rất mạnh và nguồn cung trong nước không thể đáp ứng được. Bên cạnh đó, quan niệm về bao bì đã thay đổi, nếu trước đây không mấy ai chú ý đến bao bì thì nay lại hoàn toàn khác. Một hộp bánh trung thu bao bì chiếm đến 50% giá trị và nhiều khi người ta quyết định mua vì vỏ bao.

Nhu cầu tăng lên, nhưng không có chính sách, đầu tư hợp lý để chủ động về nguyên liệu nên đã dẫn đến khó khăn như ngày hôm nay. Sản xuất bao bì hiện có nhiều đóng góp cho nền kinh tế, đây là một phần không thể thiếu đối với các sản phẩm tiêu dùng và xuất khẩu, sử dụng nhiều lao động, có tiềm năng phát triển và đóng góp cho ngân sách. Hơn nữa, nếu chúng ta làm tốt khâu sản xuất giấy phục vụ sản xuất bao bì sẽ tạo ra động lực để giúp nông dân miền núi xóa đói - giảm nghèo. Tuy nhiên, ngành này hiện vẫn chưa được chú ý đầu tư tương xứng.

Hiện nay, các nhà máy giấy trong nước chủ yếu lo sản xuất giất viết, giấy in báo; nơi cung cấp giấy nguyên liệu chính lớn nhất hiện nay là các khu làng nghề ở Bắc Ninh lại chủ yếu tái chế từ nguồn giấy phế liệu. Đã thế, nguồn giấy trong nước ngày càng bị mất đi dẫn đến mức độ khan hiếm ngày càng cao. Nguyên nhân do Việt Nam là nước xuất khẩu, 70-80% bao bì sản xuất ra phục cho việc xuất khẩu hàng công nghiệp và khối lượng này chỉ có đi ra mà không quay vòng tái sản xuất trong nước. Nguyên liệu sản xuất ít ỏi, nhập khẩu khó khăn, cho nên giấy phế liệu trong nước bây giờ cũng đắt đỏ và tranh giành nhau để mua. Trong khi đó, Nhà nước đã khởi động 1-2 dự án sản xuất bột giấy khá lớn nhưng tiến độ 4-5 năm nay vẫn rất chậm chạp.

Việc đầu tư một nhà máy bột giấy, sản xuất giấy quy mô... tuy cần nhiều vốn nhưng các DN trong nước hoàn toàn có thể hợp sức để làm. Vấn đề cần thiết là một chính sách cụ thể của Nhà nước để hỗ trợ phát triển ngành này vì nó liên quan đến các chính sách về trồng và khai thác nguyên liệu, bảo vệ phát triển rừng... mà điều này nằm ngoài khả năng của các DN. Ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, sản xuất và xuất khẩu càng phát triển thì nhu cầu bao bì càng lớn, ngành sản xuất bao bì có cơ hội phát triển tốt trong tương lai, góp phần phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài xin giấy phép đầu tư vào sản xuất giấy vì nhận thấy tiềm năng về tiêu thụ cũng như khả năng phát triển và cung cấp nguyên liệu của Việt Nam. Trong khi đó, DN trong nước cũng có nhu cầu và có khả năng thì nên có chính sách tạo điều kiện để phát triển.

ST

0989572988