Thị trường phát điện cạnh tranh: Thiếu cạnh tranh - thừa độc quyền

Thị trường phát điện cạnh tranh: Thiếu cạnh tranh - thừa độc quyền

 

Thị trường phát điện cạnh tranh đã chính thức hoạt động cùng thời điểm với việc tăng 5% giá bán điện cho người tiêu dùng. Điều này khiến DN, người dân thêm một lần nữa nghi ngờ về tính minh bạch của một ngành: nguyên liệu của mọi nguyên liệu.

Giá thành sản xuất của nhà máy thủy điện nhỏ và vừa cao hơn nhà máy thủy điện lớn của nhà nước. (Ảnh: Nhà máy thủy điện Krông K’mar có công suất 12MW, tổng giá trị đầu tư 245 tỉ đồng)

Vì vậy, câu hỏi liệu thị trường điện có thực sự cạnh tranh vẫn chẳng ai trả lời được rốt ráo.

Thị trường vận hành nhanh - độc quyền xóa... từ từ

Theo Bộ Công Thương, trong đợt đầu vận hành có 29 nhà máy điện trực tiếp nộp bản chào giá với Cty Mua bán điện (EPTC). Tổng công suất đặt của 29 nhà máy khoảng 9.035MW, trong đó gồm 13 nhà máy thủy điện, 11 nhà máy nhiệt điện than và 5 nhà máy tuabin khí. Ngoài ra, còn có 26 nhà máy điện gián tiếp tham gia vào thị trường phát điện cạnh tranh.

Câu hỏi đặt ra lúc này là làm sao để thị trường phát điện cạnh tranh được thực hiện minh bạch, khi mà một số nhà máy vẫn do EVN nắm 100%, một số nhà máy khác EVN nắm cổ phần chi phối; còn tổng nguồn điện thì EVN nắm đang nắm tới 66% trên toàn hệ thống điện?

Đứng dưới góc độ nhà quản lý, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thừa nhận vấn đề xóa độc quyền DN hiện đang được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhưng phải thực hiện từng bước đi thận trọng để vừa đảm bảo tính cạnh tranh, vừa đáp ứng nhu cầu phụ tải ngày càng tăng mà thị trường vẫn hoạt động lành mạnh, không bị gián đoạn. Trong đó, lộ trình thị trường điện cạnh tranh phải qua các bước đi thử nghiệm, có đánh giá rút kinh nghiệm. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng, xóa bỏ độc quyền phải có bước đi đồng bộ. Ông Hoàng cũng cho biết, bộ nàỵ cũng đang tiếp tục nghiên cứu sẽ rút ngắn lộ trình phát triển thị trường điện.

Tuy nhiên, dưới góc độ DN, ông Nguyễn Văn Ngọc - Chủ tịch HĐQT - TGĐ Cty phát triển năng lượng Sơn Vũ lại cho rằng việc phát điện cạnh tranh theo tôi cần phải có cơ chế hợp lý chứ như hiện nay không cân sức cân tài.  Như lên võ đài hạng cân đấu phải bằng nhau chứ không thể hạng cân lớn đấu với hạng cân nhỏ. Ông Ngọc tính toán, chỉ đơn cử việc đầu tư nhà máy thủy điện. Các nhà máy thủy điện lớn của nhà nước như: Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Sông Đà được đầu tư xây dựng đã lâu hết khấu hao, còn một số nhà máy mới như Sơn La, Lai Châu... được đầu tư bằng nguồn vốn vay nước ngoài như vốn ODA, ADB... được nhà nước bảo lãnh... nguồn vốn trái phiếu Chính phủ lãi suất thấp. Còn ngược lại các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa vay vốn ngân hàng Thương mại đến 70 - 80% và lãi suất lại cao không được ưu đãi. Từ nguồn vốn khác nhau dẫn đến giá thành sản xuất của nhà máy thủy điện nhỏ và vừa sẽ cao hơn nhà máy thủy điện lớn của nhà nước.

Giảm giá điện - hãy đợi đấy

Nhưng vấn đề là giá mua điện lại do EVN quyết định, tức là ở góc độ này, người mua là... thượng đế. Ở góc độ “kẻ bán”, EVN vẫn cứ đương nhiên là... thượng đế.

Nhiều ý kiến cho rằng, hầu như không có “cửa” cho việc giảm giá. Việc khó giảm giá điện càng có cơ sở khi mà ngay trong ngày đầu tiên thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh, giá điện đã tăng thêm 65 đ/kWh so với giá bán điện đang áp dụng.Được biết, để chuẩn bị cho thị trường phát điện cạnh tranh chính thức, Bộ Công thương đã chỉ đạo EVN, PVN, Vinacomin cùng các nhà máy trong và ngoài ngành điện chuyển đổi hợp đồng đã ký trước đây sang hợp đồng mới. Ngoài ra, giá điện mua sẽ tăng 5% đối với các nhà máy sản xuất điện dưới 30 MW. Nhưng rõ ràng, trong giao dịch mua bán điện hiện nay không có chuyện “thuận mua vừa bán” mà phụ thuộc vào quyết định của EVN. Đơn giản là hiện nay EVN không chỉ chiếm trên 60% tổng công suất nguồn toàn hệ thống mà còn nắm giữ toàn bộ hệ thống truyền tải và Cty mua bán điện duy nhất. Vì vậy, các DN sản xuất nếu không bán điện cho EVN thì cũng chẳng bán được cho ai.

Về lý thuyết, việc xây dựng giá bán điện phải được xác định trên cơ sở giá thành sản xuất, truyền tải, phân phối và lợi nhuận hợp lý cho DN.

Trong khi đó, đại diện Bộ Công Thương, ông Vượng cũng cho rằng: Rất khó kỳ vọng vào việc giá điện sẽ rẻ đi ngay lập tức khi áp dụng thị trường phát điện cạnh tranh. Ông này lý giải vì giá điện của chúng ta được coi là thấp so với giá điện của các nước trong khu vực.

 

Về lý thuyết, việc xây dựng giá bán điện phải được xác định trên cơ sở giá thành sản xuất, truyền tải, phân phối và lợi nhuận hợp lý cho DN. Trong đó, quan trọng nhất là giá bán lẻ bình quân và biểu giá bán lẻ cho các khách hàng trực tiếp dùng điện. Tuy nhiên, đặc thù của sản phẩm điện lại được tạo ra từ các loại hình nhà máy khác nhau. Đó là chưa kể chính sách giá nhiên liệu giữa các nhà máy của EVN và ngoài EVN cũng khác nhau. Đặc biệt, phương pháp xây dựng biểu giá điện  lại chủ yếu dựa trên chi phí thống kê hạch toán giá thành của EVN với mục đích bù lỗ. Việc điều chỉnh giá điện cũng chỉ mới chú ý đến các yếu tố làm tăng giá mà chưa quan tâm đến yếu tố giảm giá điện.

Ngoài ra, dư luận còn lo ngại nếu để EVN xây dựng giá mua bán điện trong tình trạng "trăm kẻ bán một người mua” như hiện nay là không hợp lý. Theo các chuyên gia, cùng với việc cải cách giá điện, Chính phủ cần có cơ chế thanh tra giám sát giá bán điện. Đồng thời, EVN cũng phải giảm tổn thất từ 11% hiện nay xuống 7-8% (năm 2015) để giảm áp lực xây dựng nhà máy điện.

Mặc dù việc hình thành thị trường phát điện cạnh tranh có phát đi một thông điệp rõ ràng, đó là sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị phát điện, truyền tải điện, tiết kiệm điện... cũng như tạo ra thị trường điện minh bạch nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này, nhà máy nào có giá điện chào bán thấp hơn sẽ được EVN ưu tiên mua trước... Nhưng xem ra, việc người tiêu dùng kỳ vọng giá điện sẽ rẻ đi là điều khó khả thi!

Quốc Hương - DĐDN

 
0989572988