Tình hình ngành xi măng trong năm 2015

Tình hình ngành xi măng trong năm 2015

Ðánh giá về tình hình sản xuất, tiêu thụ xi măng năm 2014, Chủ tịch HÐTV Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) Lương Quang Khải cho biết, Tổng Công ty còn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Hiện, Vicem vẫn đang trong quá trình trả nợ những khoản đầu tư các dây chuyền trước đây và mặc dù các Công ty thành viên đều làm ăn có lãi, nhưng các đơn vị cần tiếp tục "căn chỉnh", nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Lãi suất ngân hàng tuy giảm nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn. Ðồng thời, quy định về siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát trọng tải phương tiện của Bộ Giao thông vận tải ảnh hưởng lớn đến giá cước vận tải (thông thường chiếm tới 30% giá thành sản phẩm xi măng). Trong công tác xuất khẩu, bước đầu đã có sự phối hợp tốt giữa các đơn vị thành viên, giá cả ổn định, tuy nhiên vẫn chưa có nhiều đơn hàng dài hạn, thời điểm xuất khẩu chưa chủ động...


Ngành xi măng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Một trong những vướng mắc lớn nhất được nhiều doanh nghiệp xi măng quan tâm là hạn chót vào cuối năm 2015 về đầu tư hệ thống thu hồi nhiệt lò nung để phát điện mà Bộ Xây dựng đưa ra. Tính sơ sơ, mỗi dây chuyền xi măng công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên bắt buộc phải đầu tư thiết bị tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện mất khoảng 400 tỷ đồng. Mặt khác, một số đầu mối cung cấp hệ thống này vin vào cớ hạn chót, đòi ép giá, tăng lên gấp hai lần so với mặt bằng. Nhiều hệ thống thu hồi nhiệt lò nung để phát điện đang được chào hàng và đã lắp đặt tại một số dây chuyền xi măng cũng không thật sự hiệu quả. Chẳng hạn, nhiệt độ của lò phải đạt từ 110oC mới có thể chạy được hệ thống phát điện, nhưng đôi khi nhiệt lò nung không đủ và để duy trì được nhiệt độ này, phải đốt thêm than, nguyên liệu đầu vào để tăng nhiệt khí thải. Vô hình trung "lỗ hà ra lỗ hổng".

Theo dự báo, mức tiêu thụ xi măng năm 2015 tăng nhẹ, khoảng ba triệu tấn so với năm 2014. Thị trường nội địa vẫn được xác định là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp xi măng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xi măng phụ thuộc phần lớn vào đường bộ và khi Bộ Giao thông vận tải ra quy định siết chặt quản lý tải trọng xe, việc tiêu thụ đương nhiên gặp khó khăn. Do vậy, ngoài việc chủ động điều tiết sản xuất, các doanh nghiệp xi măng cũng cần tính toán lại công tác vận chuyển nhằm san sẻ gánh nặng đối với đường bộ, bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Chủ tịch HÐTV Vicem Lương Quang Khải chia sẻ, quy hoạch hệ thống logictic hợp lý giữa các đơn vị thành viên là điều quan trọng. Hiện, Tổng Công ty đang xây dựng quy chế phối hợp giữa các đơn vị, phân chia địa bàn, các đầu mối giao thông nhằm bảo đảm hiệu quả cao nhất. Phối hợp với đường thủy (dùng sà lan để chở xi măng rời), đường sắt (các toa tàu chuyên dụng chở xi măng, các loại bao phù hợp) vì đây là loại hàng hóa đặc thù, không để lâu được và nhiều bụi.

Năm 2015, giá điện sẽ tăng, trong khi giá xi măng khó tăng. Mặc dù giá điện chiếm tỷ trọng không lớn trong giá thành xi măng, nhưng khi giá điện tăng sẽ kéo theo hàng loạt các chi phí, dịch vụ khác ăn theo, tác động đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp xi măng. Tổng Giám đốc Vicem Trần Việt Thắng cho biết, Tổng Công ty đẩy mạnh chuẩn hóa hệ thống sản xuất, kinh doanh, bắt đầu từ Vicem Hà Tiên 1 và Vicem Hoàng Thạch. Ðây là hai "đầu tàu" của Vicem tại miền bắc và miền nam áp dụng hệ thống này nhằm đưa ra những giải pháp chuẩn, nâng cao hoặc giảm thiểu, cắt bớt các khâu sản xuất, kinh doanh, phân bổ tài chính cho giai đoạn một cách hiệu quả nhất... 

Từ đó, các đơn vị thành viên khác có thể so sánh, cần bổ sung thêm các công đoạn, tập trung chuyển đổi theo hệ thống chuẩn hóa này, thậm chí còn phải thay đổi một số hệ thống dây chuyền, thiết bị để đạt đúng chuẩn. Với vấn đề xuất khẩu, Tổng Công ty luôn coi đây là một kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm quan trọng, đặc biệt là trong những thời điểm dư thừa, mùa vụ. Quan điểm của Vicem là duy trì những kênh phân phối thường xuyên, chủ động cân đối trong xuất khẩu, điều kiện thuận lợi, có giá tốt thì đẩy mạnh xuất khẩu nhằm mục tiêu ổn định sản xuất, không để mức tồn kho quá lớn sẽ làm tăng các chi phí khác.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xi măng, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát thực hiện các dự án xi măng theo kế hoạch để đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, ưu tiên dự án, chủ đầu tư có năng lực, dự án nằm trong khu vực cạnh tranh xi măng không cao, bảo đảm vệ sinh môi trường... 

Vừa qua, Bộ Xây dựng đã đề xuất Bộ Tài chính đưa hệ thống nhiệt thừa khí thải lò nung để phát điện vào danh mục đầu tư được vay vốn ưu đãi. Ðiều này được kỳ vọng giúp các doanh nghiệp xi măng phát triển theo hướng hiện đại, tiết kiệm, thân thiện môi trường trong điều kiện nguồn lực tài chính còn hạn hẹp. Tổng Giám đốc Vicem Trần Việt Thắng cho rằng, nếu phải đi vay thương mại thì sẽ không hiệu quả. Hiện, các nhà máy trong tổng công ty đều đã xây dựng đề án cho hệ thống này và đã lựa chọn công nghệ của Israel. Hy vọng hạn chót về đưa hệ thống này vào triển khai được kéo dài để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt và hiệu quả nhất.

Theo ximang.vn

0989572988